SEO – Thời của tối ưu hóa trải nghiệm
Trong vài năm gần đây, các công cụ tìm kiếm (search machine – SE) như Google, Bing và thậm chí là Apple đã nâng cấp thuật toán và phương pháp phân tích dữ liệu (machine learning) để có thể lý giải trải nghiệm của người dùng. Thế nhưng, thuật toán tự động của các công cụ này vẫn luôn gặp khó khăn để thực sự có thể kích thích hoạt động của một người dùng “bằng xương bằng thịt”.
Thay vào đó, các SE đang thiết lập một logic mà theo đánh giá của họ là những gì mà người truy cập sẽ trải nghiệm trên một trang web. Một số tiêu chuẩn mà họ dùng để đo là tốc độ của trang web, sự tối ưu hóa với thiết bị di động, cấu trúc của trang web, nội dung và nhiều chỉ dấu khác giúp thuật toán nhận ra là người dùng có nhận được điều mà họ mong đợi từ trang web hay không.
Vậy điều này có ý nghĩa thế nào với các công ty, những nhà tiếp thị và chủ các trang web khi tiếp cận SEO (search engine optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)? Các chuyên gia cho rằng chúng ta đang bước vào một thời đại mới của SEO: Search experience optimization (tối ưu hóa trải nghiệm tìm kiếm).
Đây là một tin tốt với những ai làm tốt và làm đúng “digital marketing”. Điều này có nghĩa là “trò chơi hệ thống” đã trở nên ít và ít dễ dàng hơn và những nhóm chuyên môn dựa vào kỹ thuật “black hat” (dùng thuật toán để lừa các công cụ tìm kiếm nhằm thăng hạng nhanh chóng) sẽ chứng kiến những cố gắng của họ trở nên ít hiệu quả hơn. Vậy các trang web nên tối ưu hóa như thế nào khi mà trải nghiệm của người dùng đóng một vai trò lớn như thế?
Hãy hỏi và đáp
Trước đây, những người làm tiếp thị thường bị ám ảnh bởi những ý tưởng như tần số xuất hiện của từ khóa (keyword), thẻ meta description (cung cấp cho các SE bản tóm tắt nội dung của trang) và link profile. Nói chung, mọi thứ đều được tính thành tỷ lệ phần trăm và con số, chúng có vẻ hợp lý khi đặt trong một file excel. Nhưng bằng cách nào mà một trang web được xây dựng từ dữ liệu trong một file excel có thể hấp dẫn được một con người?
Đó chính là vấn đề mà các công cụ tìm kiếm đang điều chỉnh và bạn cũng cần thích ứng với sự điều chỉnh này. Đặc biệt, bạn cần nghĩ về đối tượng truy cập sẽ thăm trang web ở mỗi giai đoạn và trong quá trình tiếp thị.
Chẳng hạn, nếu bạn đang thiết kế một trang web và tự hỏi làm cách nào để nó có thể xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm của Google, thì bạn nên bắt đầu hỏi rằng khách hàng của bạn sẽ gõ nội dung gì vào công cụ tìm kiếm. Điều này nghe có vẻ cơ bản và đơn giản nhưng rất nên suy nghĩ kỹ. Trước đây, những nhà tiếp thị sẽ tối ưu hóa những từ khóa như “giảm cân” nhưng thói quen tìm kiếm đã dần trở nên “giàu ngữ nghĩa” hơn và mọi người không còn dùng những từ chung chung nữa mà họ đang đặt ra những câu hỏi.
Và nếu như các công ty đang trả lời những câu hỏi cho khách hàng của họ thì họ đang bắt đầu chiến thắng trong cuộc đua thứ hạng trên công cụ tìm kiếm. Vì vậy, hãy bớt lo lắng rằng bạn đang sử dụng bao nhiêu từ khóa trong nội dung mà bạn đang cung cấp, thay vào đó, hãy tự hỏi là khách hàng đang cần bạn giúp gì.
Mobile và mobile
Có lẽ bạn đã không nghĩ rằng một ngày nào đó kết quả tìm kiếm từ điện thoại thông minh lại nhiều hơn kết quả tìm kiếm từ desktop? Và đây là lúc nên tối ưu hóa trang của bạn để thu hút lượng truy cập từ điện thoại di động.
Năm ngoái, Google đã khuấy động cộng đồng SEO bằng việc tung ra một cập nhật thuật toán quan trọng giúp cải thiện khả năng hiển thị trên công cụ tìm kiếm của các trang có tối ưu hóa trên thiết bị di động so với các đối thủ ít tối ưu hơn. Thuật toán cập nhật này được các nhà tiếp thị “gọi yêu” là “mobilegeddon”.
“Mobilegeddon” dẫn đến sự xáo trộn kết quả tìm kiếm và nó không chỉ ảnh hưởng các doanh nghiệp nhỏ. Sự thật thì 40% trang web của các doanh nghiệp Fortune 500 chưa tối ưu hóa đối với thiết bị di động vào thời điểm cập nhật này ra đời.
Điều này cảnh báo mọi người rằng chúng ta cần ưu tiên nhu cầu của người dùng internet qua thiết bị di động. Người sử dụng điện thoại di động thường bị giới hạn về dung lượng và thường thì tốc độ internet cũng chậm hơn khi dùng desktop. Vì thế, nếu họ phải cố tiếp cận với một trang web có quá nhiều data và hình ảnh động cần tải về thì họ khó có thể đến với thông tin mà họ thật sự cần. Như thế, bạn cần cân nhắc giữa việc xây dựng một website “đã mắt” và một cách tiếp cận “tối giản hơn”.
Mitul Gandhi, chuyên gia SEO và đồng sáng lập của SEOClarity, một công ty với mô hình SEO thế hệ kế tiếp cho biết: “Các công cụ tìm kiếm không còn đùa khi nói đến tối ưu hóa trên thiết bị di động nữa. Google vừa tung ra AMP Pages, công cụ giúp những nhà thiết kế web tối ưu hóa trang của họ cho thiết bị di động và Apple cũng đang xây dựng thuật toán của họ dựa trên hành động của người sử dụng điện thoại di động”.
Chú ý đến những thước đo trải nghiệm của người dùng
Một khi bạn tối ưu hóa nội dung website và trải nghiệm qua điện thoại di động, các bước kế tiếp sẽ được định hướng bởi dữ liệu. Bạn nên tìm hiểu xem điều gì xảy ra khi khách hàng đến thăm trang web và cách họ tương tác với trang.
Điều mà bạn cần tìm kiếm sẽ là những dấu hiệu giúp bạn hiểu được trải nghiệm của người dùng với tốc độ của thiết bị di động và nội dung website mà bạn đang mang đến. Để làm được điều này, hãy xem những số liệu về thời gian lưu lại trên trang web, tỷ lệ khách rời khỏi trang web ngay khi vừa truy cập (bounce rate), số trang nội dung được xem, tỷ lệ người xem quay trở lại và những đối thoại qua web. Những dữ liệu này sẽ giúp bạn nhìn sâu hơn vào sự hài lòng người truy cập khi lướt web, xác định những trang nội dung, những phần bị vấn đề và tiến hành tối ưu hóa chúng.
Google Chrome, Microsoft Edge hay Apple Safari cũng theo dõi bạn và thông báo các điểm số này cho “chủ nhân” và họ cũng dùng số liệu này để đánh giá trải nghiệm của người truy cập đối với một website.
Đừng quên mạng xã hội
Dù cho ngành hàng của bạn có “chán” hay “khô” thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng bỏ quên mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực B2B và những ngành hàng “buồn tẻ” vẫn tham gia Facebook, Instagram và LinkedIn.
Họ không có mặt để kiếm nhiều khách hàng trên Facebook mà họ hiểu rằng các công cụ tìm kiếm nhận tín hiệu từ mạng xã hội để biết một trang web có mang lại phản ứng tích cực từ khách truy cập hay không.
Và hãy nhớ dẫn link đến những trang trên website của bạn khi đăng thông tin trên mạng xã hội. Không chỉ dẫn đến trang chủ mà đến cả trang thông tin công ty, địa điểm.
Biểu tượng cảm xúcBiểu tượng cảm xúc